TỔ CHỨC DU LỊCH - SỰ KIỆN TRỌN GÓI

4/03/2022

TÍNH BỀN VỮNG CỦA DU LỊCH CỘNG ĐỒNG SO VỚI MÔ HÌNH DU LỊCH KHÁC

 1. Tính bền vững của du lịch dựa vào cộng đồng so với các mô hình du lịch khác.



            Để xác định tính bền vững của một mô hình du lịch, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng cần phụ thuộc vào ba yếu tố: Kinh tế bền vững, môi trường bền vững và văn hóa xã hội bền vững. Du lịch cộng đồng là mô hình có được sự tổng hợp của ba yêu cầu trên và được xếp là một loại hình du lịch bền vững. Theo một cách phân chia các mô hình du lịch, du lịch được đề cập tới với hai mô hình du lịch tổng quát và du lịch lựa chọn. Du lịch tổng quát thường được đánh giá là không bền vững, đặc trưng chủ yếu của khái niệm du lịch này là quy mô lớn, các gói du lịch do các thành phần tư nhân ngoài địa phương điều hành và nhằm vào những điểm đến đã được thương mại hóa ở mức cao, thường chỉ tập trung vào vấn đề kinh tế bền vững. Để bù đắp lại yếu kém và tính không bền vững của du lịch tổng quát, một khái niệm mới về du lịch bền vững lựa chọn được đưa ra đáp ứng xu hướng về nhóm du khách “mới” và có trách nhiệm. Du lịch chọn lựa được coi là sự lựa chọn tốt hơn cho chiến lược phát triển do nó có đặc thù về tổ chức riêng lẻ, quy mô nhỏ tại các vùng nhỏ và có mức độ thương mại vừa phải, đồng thời do chính cộng đồng địa phương quản lý, và thiên hướng áp dụng của du lịch chọn lựa thường là vì mục đích bảo vệ môi trường và bảo vệ văn hóa-xã hội. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu được quản lý tốt, du lịch tổng quát cũng có thể bền vững. Mặt khác, du lịch lựa chọn cũng có thể mất đi tính bền vững nếu quá triệt để. Trên hết, cả hai mô hình du lịch này đều có thể là du lịch cộng đồng nếu chúng cùng thỏa mãn được tiêu chí quan trọng nhất là đặt cộng đồng ở vị trí trung tâm. Vì vậy, các mô hình du lịch cộng đồng tốt nhất thứ nhất là đảm bảo nhận các đặc điểm của cộng đồng dân cư là thành tố cốt lõi, thứ hai là thỏa mãn một cách công bằng các khía cạnh bền vững về kinh tế, văn hóa-xã hội và môi trường. Tuy vậy, ba khía cạnh bàn luận sau được đưa ra để thể hiện quan điểm và sự nhấn mạnh của chúng em về tính khác biệt và bền vững của mô hình du lịch dựa vào cộng đồng so với các mô hình du lịch khác.

1.1. Du lịch dựa vào cộng đồng quan tâm đến môi trường sinh thái và bảo tồn tài nguyên du lịch.

            Không giống như các mô hình du lịch sinh thái hay du lịch khác khai thác du lịch từ những tài nguyên tự nhiên có sẵn khác, các mô hình du lịch cộng đồng quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ tính chất tự nhiên của các tài nguyên du lịch, khai thác đi cùng với tôn tạo và bảo vệ môi trường, giảm thiểu và ít gây tác động xấu đến môi trường tự nhiên và các khu vực sinh thái được sử dụng để làm du lịch.

            Bên cạnh đó, yếu tố văn hóa cũng được quan tâm một cách đúng mực, khi các phong tục tập quán và bản sắc địa phương là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của du lịch cộng đồng, cộng đồng địa phương và những người làm du lịch khác bên cạnh việc khai thác hiệu quả từ những phong tục tập quán đó phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ để chúng không bị lai tạp hay mất dần các điểm hay, đep trong nét sống và phong tục địa phương, các di tích lịch sử, địa điểm truyền thống có sức thu hút khách du lịch.

Việc bảo vệ và suy trì các nét đẹp về tự nhiên và văn hóa sẽ là căn cứ duy trì du lịch một cách bền vững trong tương lai.

1.2. Du lịch dựa vào cộng đồng có sự tham gia quan trọng của cộng đồng địa phương.

            Ngoài sự nhìn nhận về tiềm năng du lịch và khai thác du lịch của các công ty du lịch và lữ hành, sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động du lịch là yếu tố quan trọng đóng góp vào sự bền vững của du lịch tại địa phương đó. Thông thường các doanh nghiệp du lịch thường chỉ dừng lại ở việc xây dựng và vận hành chỗ ở (khách sạn, nhà nghỉ…) cho khách du lịch, tổ chức các tour du lịch có sẵn dựa trên một số các địa điểm lịch sử, nét văn hóa đặc trưng của vùng miền đó,… Tuy nhiên họ không thể đem đến cho khách du lịch trải nghiệm xác thực nhất và mới lạ về cuộc sống và những bản sắc văn hóa sâu xa của cộng đồng địa phương, những thứ mà chỉ cộng đồng dân cư nơi đó có thể cung cấp cho khách du lịch một cách dễ dàng nhất. Càng ngày xu hướng tìm kiếm những trải nghiệm thực tế và mới lạ càng mạnh mẽ, khách du lịch muốn có những trải nghiệm đích thực hơn chỉ là những chuyến tham quan và kỳ nghỉ đơn thuần. Những yếu tố sâu xa trong văn hóa dân cư và giá trị truyền thống địa phương sẽ là nguồn thu hút đặc biệt đối với du khách.

1.3. Du lịch dựa vào cộng đồng gắn lợi ích kinh tế với cộng đồng địa phương.

            Du lịch cộng đồng có được sự ủng hộ của chính phủ, tổ chức kinh tế, xã hội của các nước, trên phạm vi thế giới các tổ chức du lịch và kinh tế đều cho rằng du lịch cộng đồng là hướng phát triển bền vững cho du lịch. Bên cạnh đó, các tổ chức phi chính phủ tạo điều kiện giúp đỡ và tham gia vào lĩnh vực này nên từ đó các vấn đề xã hội, văn hóa, chính trị, kinh tế và sinh thái trong khuôn viên làng bản trở thành những tác nhân tham gia cung cấp dịch vụ cho du khách và thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan, người dân bản xứ cũng có thu nhập từ việc cung cấp dịch vụ và phục vụ khách tham quan nên loại hình du lịch dựa vào cộng đồng ngày càng được phổ biến và có ý nghĩa không chỉ đối với khách du lịch, chính quyền sở tại mà với cả cộng đồng. Lợi ích kinh tế giờ đây không chỉ thuộc về phần lớn các công ty du lịch mà được chia sẻ một cách bình đẳng và hợp lý cho cộng đồng địa phương. Đây là động lực quan trọng khiến cho mỗi cá nhân trong cộng đồng ngày càng quan tâm và ý thức về các giá trị văn hóa  và thiên nhiên mình có, các tầng lớp dân cư sẽ tham gia vào du lịch cộng đồng một cách tích cực hơn và giúp nó ngày càng phát triển và bền vững.

2. Đặc điểm của du lịch cộng đồng.

            DLCĐ có các đặc điểm phân biệt với các loại hình và các hình thức du lịch khác nhau:

            DLCĐ là những phương thức phát triển mà cộng đồng dân cư địa phương là chủ thể của mọi hoạt động bảo tồn, quản lý, khai thác tài nguyên môi trường du lịch và các khâu,các hoạt động du lịch trong quá trình phát triển: tham gia lập và thực hiện quy hoạch du lịch, cộng đồng địa phương (CĐĐP) tham gia với cả vai trò quản lý, tổ chức, điều hành, giám sát, ra quyết định phát triển du lịch, bảo tồn, khai thác tài nguyên môi trường du lịch; tham gia các hoạt động kinh doanh du lịch (kinh tế lưu trú, ăn uống, vận chuyển, sản xuất hàng hóa, hướng dẫn, kinh doanh lữ hành, kinh doanh các dịch vụ hàng hóa, vui chơi, giải trí), sản xuất, cung ứng nông phẩm và các hàng hóa khác. CĐĐP giữ vai trò chủ đạo, duy trì các hoạt động kinh doanh du lịch và hoạt động KT-XH có liên quan đến du lịch và du khách.

            Phát triển DLCĐ là công nhận quyền sở hữu hợp pháp trong việc bảo tồn, khai thác hợp pháp và bền vững các loại tài nguyên và môi trường vì sự phát triển của cộng đồng. Phát triên DLCĐ là thực hiện các mục tiêu phát triển du lịch gắn liền với việc thực hiện các mục tiêu phát triển cộng đồng vì sự nghiệp của cộng đồng.

            Địa điểm tổ chức phát triển DLCĐ: diễn ra tại nơi cư trú hoặc gần nơi cư trú của CĐĐP. Đây là những khu vực có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên hoặc nhân văn phong phú, hấp dẫn hoặc cả hai, có độ nhạy cảm về đa dạng sinh học, chính trị, văn hóa và xã hội hiện đã, đang và có thể bị tác động bởi con người.

            Cộng đồng dân cư phải là người sinh sống, làm ăn trong hoặc liền kề các điểm tài nguyên du lịch, đồng thời cộng đồng phải có quyền lợi và trách nhiệm tham gia khai thác cũng như bảo tồn tài nguyên, các nguồn lực phát triển du lịch bền vững nhằm hạn chế, giảm các tác động tiêu cực, nâng cao số lượng, chất lượng tài nguyên du lịch (TNDL) từ chính các hoạt động kinh doanh du lịch, KT-XH của cộng đồng, hoạt động của du khách và các bên tham gia vào hoạt động du lịch nói chung.

            Phát tiển DLCĐ vừa góp phần da dạng hóa, nâng cao chất lượng tài nguyên môi trường du lịch, các sản phẩm du lịch, đồng thời góp phần duy trì, phát triển các ngành nghề kinh tế truyền thống của địa phương, ủng hộ sự đa dạng về các ngành kinh tế. Phát triển DLCĐ phải đảm bảo sự công bằng trong việc phân chia nguồn lợi từ hoạt động du lịch. Phần lớn nguồn lợi thu được từ hoạt động du lịch được giữ lại cho cộng đồng. Hoạt động này phải tính đến các hiệu quả về KT-XH, môi trường, và chịu sự điều tiết của các quy luật KT-XH, đặc biệt là quy luật cung-cầu.

DLCĐ cũng bao gồm các yếu tố trợ giúp cộng đồng phát triển du lịch của các bên tham gia du lịch, gồm các cá nhân, các công ty du lịch, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các cấp quản lý nhà nước.

            DLCĐ còn bao gồm cả cơ thể, chính sách của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, của chính phủ, của các tổ chức và cách thức sản xuất kinh doanh các sản phẩm du lịch để xã hội hóa du lịch, cộng đồng dân cư được đi du lịch, được hưởng ngày càng nhiều sản phẩm du lịch.

            Tổ chức phát triển DLCĐ thực chất là phát triển các loại hình du lịch bền vững, có trách nhiệm với tài nguyên môi trường và sự phát triển của cộng đồng. Chủ thể của các hoạt động bảo tồn, tôn tạo tài nguyên môi trường và khai thác chính cho phát triển du lịch là các cộng đồng địa phương. Nguồn lợi thu được từ hoạt động du lịch cũng như mục đích của các hoạt động trên nhằm phát triển cộng đồng. Các loại hình DLCĐ do đó còn được gọi là các loại hình du lịch vì dân và do dân.

            Phát triển DLCĐ, một mặt, giúp phát huy lợi thế các nguồn lực phát triển du lịch tại nơi hoặc gần noi cộng đồng sinh sống nhằm đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đáp ứng các nhu cầu du lịch phong phú, chất lượng cao và hợp lý của du khách. Mặt khác, phát triển DLCĐ còn bao hàm cả gốc độ cầu du lịch nhằm xây dựng, thực thi các chính sách, cũng như tạo ra các sản phẩm du lịch, nhằm xã hội hóa cầu du lịch để cộng đồng dân cư, đặc biệt là những người nghèo có thể đi du lịch và hưởng thụ các sản phẩm du lịch ngày càng nhiều, tạo ra sụ công bằng xã hội và tạo ra thị trường cho phát triển các loại hình du lịch này.

            Việc tổ chức, đầu tư, triển khai, phát triển các loại hình DLCĐ đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, tiền của, cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất kỹ thuật, vì vậy cần được thực hiện có nguyên tắc.

3. Các điều kiện hình thành và phát triển du lịch cộng đồng.

            Các chuyên gia đều cho rằng phát triển du lịch dựa vào cộng đồng phụ thuộc vào các điều kiện cơ bản là:

3.1. Tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú và mang tính đặc trưng cao.

            Đây là điều kiện có ý nghĩa quyết định đến phát triển du lịch dựa vào cộng đồng. Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, di tích cách mạng, giá trị nhân văn, công trình lao động sáng tạo của con người có thể sử dụng nhằm thỏa mãn nhu cầu du lịch; là yếu tố cơ bản để hình thành các điểm du lịch, khu du lịch nhằm tạo ra sự hấp dẫn du lịch (Pháp lệnh Du lịch Việt Nam, 1999).

            Như vậy ngay trong định nghĩa của tài nguyên du lịch đã cho thấy tầm quan trọng của nó. Nó được xem như tiền đề phát triển của bất cứ loại hình du lịch nào. Thực tế cho thấy, tài nguyên du lịch càng phong phú hấp dẫn bao nhiêu, càng đặc sắc bao nhiêu thì sức hấp dẫn và hiệu quả hoạt động du lịch càng cao bấy nhiêu. Nó bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn: Tài nguyên du lịch tự nhiên bao gồm các yếu tố hợp phần tự nhiên, các hiện tương tự nhiên và quá trình biến đổi của chúng, tạo nên các điều kiện thường xuyên tác động đến sự sống và hoạt động của con người được sử dụng vào mục đích du lịch. Tài nguyên du lịch nhân văn là nhóm tài nguyên du lịch có nguồn gốc nhân tạo, nghĩa là do con người sáng tạo ra; bao gồm toàn bộ những sản phẩm có giá trị về vật chất cũng như tinh thần do con người sang tạo ra có giá trị phục vụ du lịch. Các giá trị đó lại được phân ra thành các giá trị văn hóa vật thể như các di tích văn hóa, lịch sử, các sản phẩm truyền thống... hay các giá trị văn hóa phi vật thể như các phong tục, tập quán, các lễ hội... của cộng đồng. Du lịch cộng đồng được xác lập trên một địa điểm xác định gắn với các giá trị tài nguyên sẵn có của nó, là sự hòa quyện của các giá trị tự nhiên và nhân văn. Có thể nói nếu không có tài nguyên du lịch thì không thể phát triển du lịch.Vì vậy, đứng trên góc độ địa lý thì việc nghiên cứu tài nguyên du lịch luôn là nền tảng cho sự phát triển du lịch địa phương.

3.2. Điều kiện về yếu tố cộng đồng là sự tham gia rộng rãi và hiệu quả.

            Điều này được đánh giá trên các yếu tố số lượng thành viên, bản sắc dân tộc, phong tục tập quán, trình độ học vấn và nhận thức trách nhiệm về tài nguyên và phát triển du lịch. Xác định phạm vi cộng đồng là những dân cư sinh hoạt và lao động cố định, lâu dài trong hoặc liền kề vùng có tài nguyên thiên nhiên.

            Cộng đồng dân cư đóng vai trò xuyên suốt trong hoạt động du lịch, chủ thể tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch, vừa là người quản lý, có trách nhiệm bảo tồn tài nguyên du lịch. Các yếu tố cộng đồng quyết định tới sựphát triển du lịch cộng đồng là sự ý thức về tầm quan trọng cũng như tính chuyên nghiệp trong việc cung cấp một sản phẩm du lịch đúng nghĩa; điều đó phải bắt nguồn từ việc nhận thức về lợi ích của du lịch cộng đồng tới sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa và môi trường của cộng đồng.

            Ý thức tự hào về cộng đồng tức là tự hào về truyền thống văn hóa bản địa. Cộng đồng phải có một trình độ văn hóa nhất định để hiểu được các giá trị văn hóa bản địa, tiếp thu và ứng dụng các kiến thức văn hóa và kỹ thuật phù hơp vào hoạt động du lịch. Cộng đồng phải có trình độhiểu biết về hoạt động du lịch để từ đó cân bằng giữa lợi ích kinh tế và văn hóa, môi trường, giữa văn hóa bản địa và nhu cầu của khách; đó là cơ sở để không làm mai một các giá trị văn hóa bản địa dẫn tới sự xuống cấp của các sản phẩm du lịch đặc trưng.

3.3. Điều kiện về cơ chế chính sách tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển du lịch và sự tham gia của cộng đồng.

            Trước tiên ta phải kể đến chủ trương của Đảng và Nhà nước. Chủ trương của Nhà nước thể hiện ở mục tiêu phát triển và chiến lược phát triên du lịch quốc gia đến các văn bản pháp luật có tính pháp lý với việc quản lý hoạt động du lịch. Nếu Nhà nước có chủ trương phát triển du lịch thì có các chính sách thuận lợi thu hút khách du lịch và đầu tư cho du lịch.Từ đó, Nhà nước sẽ có những đầu tư cho địa phương như hỗ trợvốn, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đào tạo về kỹ thuật làm du lịch.

            Chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong điều kiện phát triển du lịch công đồng. Bằng quyền lực của mình, họ có thể bác bỏ, cấm đoán hay khuyến khích việc xây dựng điểm du lịch cũng như phát triển du lịch. Sự yểm trợ cũng như ủng hộ của chính quyền địa phương thể hiện ở các mặt: Tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan như việc cấp thủ tục hành chính, các quy định không quá khắt khe đối với khách du lịch.

            Khuyến khích và hỗ trợ địa phương tham gia hoạt động du lịch: Hỗ trợ đầu tư về vốn, kỹ thuật cho cộng đồng, có những chính sách thông thoáng, mở cửa đối với các tổ chức, đoàn thể tham gia phát triển du lịch. Tham gia định hướng chỉ đạo và quản lý các hoạt động du lịch. Tạo môi trường an toàn cho khách du lịch bằng các biện pháp an ninh cần thiết.

3.4. Nguồn cầu của du lịch là động lực để phát triển du lịch cộng đồng của địa phương.

            Đối tượng của du lịch bao giờ cũng là khách du lịch. Đứng dưới góc độ du lịch nói chung, họ là khách thể, là yếu tố tạo ra thị trường. Và hơn hết có cầu thì mới có cung, do đó cho thấy tầm quan trọng mang tính quyết định sự hình thành và phát triển của một loại hình du lịch cũng như điểm du lịch. Khách du lịch có động cơ là tiếp cận các nguồn tài nguyên du lịch ở địa phương cũng như nhu cầu có bản khác. Cộng đồng địa phương sẽ có được lợi ích khi cung cấp các sản phẩm du lịch cho khách. Nếu nhu cầu của khách du lịch cao thì nguồn cung cũng phải tương ứng. Như vậy khách du lịch là động lực phát triển cho du lịch.

3.5. Sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ phi chính phủ trong và ngoài nước về nhân lực, tài chính và kinh nghiệm phát triển du lịch dựa vào cộng đồng.

            Tổ chức phi chính phủ là các tổ chức hoạt động vì mục đích phát triển cộng đồng trong nhiều lĩnh vực nhu kinh tế, văn hóa, du lịch, môi trường và giáo dục... Trong bối cảnh điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước nói chung cũng như địa phương nói riêng còn khó khăn thì sự hỗ trợ của các tổ chức này là rât quan trọng. Đối với du lịch cộng đồng, sự hỗ trợ thể hiện ở các mặt: Sự nghiên cứu về tiềm năng du lịch địa phương cùng những giải pháp giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường tạo tiền đề cho sự phát triển du lịch.Sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.

4.  Các nguyên tắc của du lịch cộng đồng.

Nguyên tắc 1: Thừa nhận, ủng hộ và thúc đẩy quan hệ sở hữu của cộng đồng về các nguồn lực phát triển du lịch và việc tham gia phát triển du lịch.

            Nguyên tắc này khẳng định quyền sở hữu việc bảo tồn, tôn tạo và khai thác các loại TNDL thuộc về cộng đồng, bản thân các cộng đồng địa phương, đặc biệt là những cộng đồng nghèo, thiếu tri thức cũng như kinh nghiệm, cơ sở vật chất, tài chính để có thể tổ chức, quản lý, triển khai các hoạt động bảo tồn, tôn tạo, khai thác các nguồn lực cho sự phát triển có hiệu quả. Vì vậy, họ cần được ủng hộ, hỗ trợ về tài chính, cơ chế, chính sách, về lập và thực hiện kế hoạch phát triển du lịch. Cộng đồng là chủ thể của các hoạt động bảo tồn, tôn tạo tài nguyên môi trường du lịch  cũng như tham gia các hoạt động du lịch, và tất nhiên các nguồn lợi thu được từ hoạt động du lịch chủ yếu thuộc về họ.

Nguyên tắc 2: Lấy ý kiến của các bên tham gia, tôn trọng ý kiến của cộng đồng địa phương, đảm bảo những kiến nghị của cộng đồng được chuyển đến những người có trách nhiệm xem xét và giải quyết.

            Nguyên tắc này giúp cho việc lập và thực hiện các quy hoạch thành công. Vì trong quá trình điều tra xã hội học có thể điều tra, đánh giá được nhận thức, năng lực tham gia các hoạt động du lịch, mức độ tham gia, sự ủng hộ hay phản đối của cộng đồng với các kế hoạch phát triển du lịch và bảo tồn, tôn tạo TNDL, phát hiện được các mâu thuẩn trong quá trình phát triển, đảm bảo tính công khai, dân chủ và sự tham gia của họ và giải quyết được các vấn đề hạn chế trong quá trình phát triển du lịch. Thực hiện được nguyên tắc này đảm bảo tính công bằng trong quá trình phát triển DLCĐ của các bên tham gia.

Nguyên tắc 3: Ngay từ đầu, khi lập kế hoạch phát triển du lịch cũng như trong suốt quá trình phát triển du lịch, cần thu hút và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào tất cả các lĩnh vực hoạt động kinh doanh du lịch và bảo tồn.

            Nguyên tắc này giúp cho việc khẳng định vai trò chủ thể, quyền lợi và nghĩa vụ của cộng đồng địa phương tham gia vào phát triển du lịch, vào hoạt động bảo tồn, tôn tạo tài nguyên, phát triển cộng đồng, và bao gồm cả việc tổ chức, quản lý, giám sát, ra quyết định cũng như tham gia vào các hoạt động kinh doanh du lịch, bảo tồn tài nguyên, phát triển KT-XH một cách chủ động, tích cực, sáng tạo. Cộng đồng không chỉ có vai trò là người làm thuê với giá nhân công rẻ, bị bóc lột sức lao động và tài nguyên, mà phần nào còn tạo ra sự công bằng khi phân chia các lợi ích từ hoạt động phát triển du lịch cũng như phát triển KT-XH cho họ.

            Đồng thời, nguyên tắc này giúp việc đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tạo ra các sản phẩm du lich độc đáo, hạ giá thành sản phẩm du lịch, hấp dẫn du khách và xã hội hóa du lịch giúp cho các cộng đồng nghèo có thể làm du lịch và hưởng thu các sản phẩm du lịch.

Nguyên tắc 4: Phát triển du lịch như một công cụ giúp cộng đồng địa phương sử dụng để phát triển KT-XH trong khi vẫn duy trì sự đa dạng kinh tế và không làm suy giảm các ngành nghề truyền thống.

            Nguyên tắc này giúp cho việc xác định vị trí, vai trò của ngành  Du lịch trong quy hoạch phát triển du lịch cũng như phát triển KT-XH hướng tới phát triển du lịch thành một đòn bẩy vừa phát triển KT-XH của địa phương, du lịch phát triển, vừa khôi phục phát triển ngành nghề truyền thống, giảm tác động tiêu cực từ các hoạt động KT-XH. Đồng thời, đây cũng là nguyên tắc bảo tồn, duy trì sự đa dạng tự nhiên và văn hóa, tính đa dạng và đặc sắc làm giảm giá thành sản phẩm, không làm suy giảm dân số. Bởi vì những ngành sản xuất truyền thống khi được phục hồi, phát triển để cung cấp các nông phẩm và hàng hóa cho khách sẽ tạo ra thu nhập, việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Từ đó, họ không phải ra các thành phố tìm kiếm việc làm, họ cũng có ý thức và hỗ trợ cho việc bảo vệ cũng như khai thác tài nguyên tốt hơn, tạo môi trường tốt hơn cho phát triển du lịch.

Nguyên tắc 5: Hòa nhập quy hoạch phát triển DLCĐ vào quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương và của quốc gia.

            Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành và xã hội hóa cao, cần phải hợp tác, liên kết cùng phát triển với nhiều ngành kinh tế và phải có sự ủng hộ của Chính phủ, các tổ chức, cơ quan, ban ngành, các cấp quản lý của nhà nước. Do vậy, quy hoạch phát triển DLCĐ cần được coi là một bộ phận của quy hoạch ngành kinh tế trong Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH địa phương.

Nguyên tắc 6: Khai thác, bảo tồn các nguồn lực theo hướng thận trọng, hạn chế, tiết kiệm và bền vững.

            Các nguồn lực phát triển du lịch, đặc biệt là các nguồn TNDL tự nhiên và nhân văn đều có một đặc điểm là dễ thay đổi, suy giảm theo hướng tiêu cực. Vì vậy, khi quy hoạch phát triển DLCĐ cần đưa ra, thực thi các phương cách khai thác, bảo tồn các nguồn lực theo hướng có kiểm soát, tiết kiệm và bền vững, vận dụng các chỉ số về sức chứa trong quá trình khai thác, không vượt quá khả năng phục hồi, tái tạo của các nguồn tài nguyên, hài hòa với các yếu tố địa lý tại chỗ và các giá trị văn hóa bản địa.

Nguyên tắc 7:  Duy trì tính đa dạng về tự nhiên và sự đa dạng về văn hóa cũng như các giá trị văn hóa bản địa.

            Duy trì tính đa dạng về tự nhiên và sự đa dạng về văn hóa, đặc biệt là sự đa dạng về các hệ sinh thái và đa dạng sinh học chính là bảo vệ môi trường sống của cộng đồng và tạo ra sự đa dạng, tính độc đáo của sản phẩm du lịch, có sức hấp dẫn với du khách. Do vậy, khi phát triển du lịch phải đi đôi với việc bảo tồn, tôn tạo TNDL, thu hút các bên tham gia vào các hoạt động này và phải coi trọng đầu tư phát triển giáo dục cho các thành viên tham gia. Đặc biệt, phát triển du lịch du lịch không vượt quá sức tải về môi trường sống của cộng đồng địa phương, phải tôn trọng những giá trị văn hóa và phong cách sống của cộng đồng. Phát triển du lịch cũng cần góp phần thúc đẩy niềm tự hào của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tăng cường giao lưu văn hóa giữa khách du lịch với cộng đồng và trong các cộng đồng.

Nguyên tắc 8: Hỗ trợ địa phương trong hoạt động du lịch và phát triển KT-XH, phát triển du lịch góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng.

            Các cộng đồng địa phương, đặc biệt là những cộng đồng nghèo ở khu vực nông thôn, miền núi, ven biển, thường có trình độ nhận thức hạn chế, trình độ phát triển văn hóa và kinh tế thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đầy đủ. Do vậy, phần lớn các cộng đồng địa phương không thể tự mình có đủ các nguồn lực để quy hoạch phát triển du lịch và quy hoạch phát triển KT-XH. Vì thế, các cơ quan quản lý về du lịch cũng như các cấp quản lý của nhà nước nói chung, các tổ chức, cá nhân nói riêng cần hỗ trợ cộng đồng trong việc lập, thực hiện các quy hoạch phát triển du lich về cơ chế, chính sách, tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật.

            Đồng thời, các chính sách phát triển DLCĐ như chính sách an sinh xã hội góp phần phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho dân cư cần được coi như chiến lược phát triển của địa phương và quốc gia.

Nguyên tắc 9: Tăng cường giáo dục và đào tạo nguồn lực địa phương.

            Các cộng đồng địa phương, đặc biệt là các cộng đồng nghèo, thường có nhận thức về lịch cũng như nhận thức về môi trường, KT-XH, khoa học kỹ thuật hạn chế, trình độ lao động thấp. Do vậy, để có thể thực hiện các quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng có hiệu quả cần phải coi trọng giáo dục và tào tạo nguồn nhân lực địa phương như một giải pháp mang tính quan trọng và quyết định hàng đầu.

Giáo dục du lịch, ngoài việc phải thực hiện với cộng đồng địa phương, còn cần được thực hiện với khách du lịch, các nhà thầu, các bên tham gia du lịch nói chung.

Nguyên tắc 10:  Phân chia lợi nhuận một cách công bằng giữa các bên giam gia DLCĐ, phần lớn nguồn lợi thu được từ du lịch để lại cho phát triển cộng đồng.

            Chủ sở hữu hợp pháp các nguồn tài nguyên du lịch là cộng đồng địa phương. Vì vậy, cộng đồng địa phương cần được tham gia vào tất cả các khâu, các quá trình phát triển du lịch với vai trò người chủ sở hữu tài nguyên và các nguồn lực phát triển du lịch nói chung. Vì thế, phần lớn nguồn lợi thu được cần giữ lại để đầu tư cho việc nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển cộng đồng, cũng chính là đầu tư cho bảo tồn, tôn tạo tài nguyên và phát triển du lịch.

            Để tránh nảy sinh các mâu thuẫn trong quá trình phát triển, tránh tiêu cực, tham nhũng trong quá trình, quản lý và sử dụng các nguồn thu từ hoạt động du lịch, việc phân chia nguồn lợi thu được từ hoạt động du lịch cần được công khai và công bằng giữa các bên tham gia cũng như giữa các thành viên trong cộng đồng.

Nguyên tắc 11: Đầu tư xúc tiến phát triển du lịch, tiếp thị trung thực và có trách nhiệm.

            Các cộng đồng địa phương không có đủ trình độ, năng lực và các nguồn lực để họ tự đầu tư cho việc xúc tiến phát triển du lịch. Do vậy, cần có sự hỗ trợ của các tổ chức, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và cá có quan quản lý nhà nước, các ban ngành nói ching về việc đầu tư xúc tiến phát triển du lịch. Đến nay, ở nhiều nước phát triển và đang phát triển, du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn. Việc xúc tiến phát triển DLCĐ cũng như xúc tiến phát triển du lịch nói chung phần lớn là do nhà nước đầu tư từ nguồn kinh phí công ích. Các  thành viên tham gia du lịch sẽ trích một phần lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh du lịch, bằng việc đóng thuế thu nhập, nộp lại cho các trung tâm xúc tiến phát triển du lịch.

            Vừa để giáo dục du khách, vừa tạo lòng tin đối với du khách về sản phẩm du lịch, và để đảm bảo quyền lợi cho du khách, nội dung tiếp thị, quảng bá về DCLĐ cần phải trung thực, mang tính giáo dục và có trách nhiệm với quyền lợi của du khách, của cộng đồng cũng như với việc bảo tồn, tôn tạo tài nguyên môi trường du lịch và môi trường sống của động đồng.

Nguyên tắc 12: Tăng cường nghiên cứu, theo dõi, đánh giá, thống kê, hợp tác trong phát triển du lịch cộng đồng.

            Các yếu tố phát triển KT-XH cũng như phát triển du lịch luôn biến động và có nhiều thay đổi cần được điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Phát triển DLCĐ là một lĩnh vực còn khá mới mẻ, đặc biệt với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, do đó cần được theo dõi, giám sát, rút kinh nghiệm, đưa ra giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển đúng đắn, có hiệu quả để có sự hỗ trợ về kinh nghiệm và nguồn lực cho cộng đồng địa phương, đặc biệt từ các cơ sở nghiên cứu đào tạo, cũng như các tổ chức quốc tế. Do vậy, tăng cường nghiên cứu, theo dõi, đánh giá, thống kê, hơp tác trong phát triển DLCĐ đã trở thành nguyên tắc quan trọng, có tính quyết định cho sự phát triển các loại hình du lịch này.

Không có nhận xét nào:

TỔ CHỨC DU LỊCH KẾT HỢP TEAMBUILDING & GALA DINNER CHO DOANH NGHIỆP

DU LỊCH SAPA - VỪA HAY, VỪA ĐẸP, Ý NGHĨA, KHÍ HẬU MÁT MẼ QUANH NĂM

www.dulichchatluongtphcm.com  Hãy khám phá du lịch cùng Tinviet Travel & Events - tour sapa, đẹp quanh năm, cảnh sắc thiên nhiên, văn hó...

CHUYÊN NGHIỆP - TẬN TÌNH - CHU ĐÁO