1.1.1. Các hoạt động tác nghiệp cơ bản của tổ chức
sự kiện
Các hoạt động tác nghiệp cơ bản,
các công việc trong tổ chức sự kiện có thể đề cập một cách cụ thể
hơn, bao gồm:
1. Nghiên cứu các
yếu tố ảnh hưởng, liên quan đến sự kiện;
2. Hình thành chủ
đề, lập chương trình và kế hoạch tổng thể cho sự kiện;
3. Chuẩn bị tổ chứcsự kiện;
4. Tổ chức đón tiếp
và khai mạc sự kiện;
5. Tổ chức điều
hành các diễn biến chính của sự kiện;
6. Tổ chức phục vụ
ăn uống trong sự kiện;
7. Tổ chức phục vụ
lưu trú, vận chuyển trong sự kiện;
8. Tổ chức thực
hiện các hoạt động phụ trợ trong sự kiện;
9. Kết thúc sự kiện
và giải quyết các công việc sau sự kiện;
10. Xúc tiến và
quảng bá sự kiện;
11. Quan hệ với các
nhà cung cấp dịch vụ bổ trợ sự kiện;
12. Quản trị tài
chính trong tổ chức sự kiện;
13. Dự phòng và giải
quyết các sự cố trong tổ chức sự kiện;
14. Chăm sóc khách hàng;
15.
Đảm bảo vệ sinh, an toàn, và an
ninh trong quá trình tổ chức sự kiện…
Các hoạt động tác nghiệp cơ bản nói trên vừa đan xen vừa nối tiếp nhau trong quá trình tổ chức một sự kiện cụ thể. Theo dòng chảy thời gian có thể thấy: Các hoạt động như: nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng, liên quan đến sự kiện; hình thành chủ đề, lập chương trình và kế hoạch tổng thể cho sự kiện; chuẩn bị tổ chức sự kiện; xúc tiến và quảng bá sự kiện; thuộc giai đoạn trước khi diễn ra sự kiện. Giai đoạn thực hiện sự kiện bao gồm các hoạt động: tổ chức đón tiếp và khai mạc sự kiện; tổ chức điều hành các diễn biến chính của sự kiện; tổ chức phục vụ ăn uống trong sự kiện; tổ chức thực hiện các hoạt động phụ trợ trong sự kiện; Giai đoạn giai đoạn cuối bao gồm các hoạt động kết thúc sự kiện và giải quyết các công việc sau sự kiện. Các công việc khác như: quan hệ với các nhà cung cấp dịch vụ bổ trợ sự kiện; quản trị tài chính trong tổ chức sự kiện; dự phòng và giải quyết các sự cố trong tổ chức sự kiện; chăm sóc khách hàng; đảm bảo vệ sinh, an toàn, và an ninh trong quá trình tổ chức sự kiện… đan xen liên quan đến tất cả các giai đoạn nói trên.
1.1.2. Các thành phần tham gia trong sự kiệnMột sự kiện diễn ra luôn có mặt
của khách mời, nhà đầu tư sự kiện, nhà tổ chức sự kiện, giới truyền
thông và cộng đồng dân cư nơi diễn ra sự kiện. Tuy nhiên với các thành
phần như trên chỉ mới xem xét ở phần diễn biến của sự kiện (phần
nổi); để tiến hành một sự kiện còn có các thành phần khác như các
nhà cung ứng về địa điểm tổ chức sự kiện, cung ứng các dịch vụ vận
chuyển, lưu trú, ăn uống… Vì vậy trong quá trình nghiên cứu về tổ chức
sự kiện cần thống nhất cách hiểu về các thành phần này.
Các thành phần tham gia sự
kiện: Là những tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân
trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào một hoặc nhiều công việc, hoạt động, diễn
biến của sự kiện. Người tham gia sự kiện bao gồm các nhóm chính:
- Nhà đầu tư sự kiện
(bao gồm cả nhà tài trợ sự kiện);
- Nhà tổ chức sự kiện
(có nghĩa tương đương với doanh nghiệp tổ chức sự
kiện);
-
Nhà cung ứng dịch vụ bổ trợ tổ chức sự kiện: cung cấp dịch vụ, hàng
hóa cho sự kiện do nhà tổ chức sự kiện thuê;
- Khách mời (tham gia sự kiện);
-
Khách vãng lai tham dự sự kiện;
-
Chính quyền và cư dân nơi diễn ra sự kiện.
Chú ý: Việc phân chia nói trên chỉ mang
tính chất tương đối trong một số trường hợp nhà đầu tư sự kiện cũng có thể
chính là nhà tổ chức sự kiện (tự tổ chức). Một số sự kiện không có khách vãng
lai tham dự sự kiện mà chỉ đơn thuần là khách mời, một số sự kiện ảnh hưởng và
sự liên quan đến chính quyền và cư dân nơi diễn ra sự kiện không đáng kể.
Nhà đầu tư sự kiện (nhà thuê tổ chức sự kiện/ chủ sở hữu sự kiện): là các chủ thể chính
của sự kiện, là các tổ chức doanh nghiệp hoặc cá nhân bỏ kinh phí để thực
hiện hoặc thuê nhà tổ chức sự kiện thực hiện sự kiện và chịu trách
nhiệm chủ yếu đối với các yếu tố có liên quan đến sự kiện, nhằm mang lại
những lợi ích khác nhau cho tổ chức của mình và cho xã hội.
Nhà tài trợ sự kiện: Là các tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân tài trợ cho sự
kiện một phần về kinh phí, cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực…để
góp phần vào sự thành công của sự kiện, nhằm mang lại những lợi
ích cho mình và cho xã hội. Nhà tài trợ sự kiện sẽ có được những
quyền hạn nhất định trong việc chi phối một số nội dung, hoạt động
cũng như mục đích của sự kiện; song song với nó họ cũng sẽ phải
chịu một số trách nhiệm nhất định (đối với các vấn đề có liên quan
với họ) trong sự kiện.
Cần
lưu ý:
- Nhà
đầu tư sự kiện nếu bỏ kinh phí và tự mình tổ chức sự kiện họ sẽ
đóng cả vai trò là nhà tổ chức sự kiện.
- Trong một sự kiện có thể vừa có
nhà đầu tư sự kiện vừa có thể có một hay nhiều nhà tài trợ cho sự kiện.
- Trường hợp có nhiều nhà tài trợ sự
kiện, người ta thường chỉ ra nhà tài trợ chính (tài trợ chính
thức); nhà đồng tài trợ…
- Trong tài liệu này, để thuận tiện cho việc trình bày chúng tôi xin phép
được gọi nhà tài trợ sự kiện vào nhóm các nhà đầu tư sự kiện.
Nhà tổ chức sự kiện (bên được thuê tổ chức sự kiện): là những tổ chức, doanh nghiệp, những
người được nhà đầu tư sự kiện thuê và được ủy quyền thực hiện quá trình tổ chức
sự kiện có những ràng buộc, quyền lợi và nghĩa vụ nhất định trong quá trình tổ
chức sự kiện. Cùng với nhà đầu tư sự kiện nhà tổ chức sự kiện phải
chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vấn đề có liên quan đến sự
kiện.
Khách hàng của nhà tổ chức sự
kiện Khách hàng là đối tượng mà nhà tổ chức sự kiện phục
vụ và sẽ được trả công cho quá trình phục vụ của mình.
Tùy theo hình thức tổ chức sự kiện mà khách hàng của sự kiện có
thể khác nhau. Ví dụ: một công
ty bỏ tiền thuê một cuộc triển lãm hàng hóa thì khách hàng là nhà
đầu tư sự kiện. Trong trường
hợp nhà tổ chức sự kiện tự đứng ra tổ chức một sự kiện nào đó để
lấy thu bù chi (ví dụ một cuộc biểu diễn nghệ thuật), khách hàng
chính là các nhà tài trợ cho sự kiện và khán giả (khách mời) tham
gia sự kiện.
Nhà cung ứng dịch vụ bổ
trợ tổ chức sự kiện: là những tổ chức, doanh
nghiệp, cung ứng một hay một số các dịch vụ, hàng hóa bổ trợ (dịch
vụ về lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, dịch vụ thể thao, văn
phòng, an ninh…) cho quá trình tổ chức sự kiện thông qua các hợp đồng
(hoặc các hình thức thỏa ước khác) được ký kết với nhà tổ chức
sự kiện, họ có những ràng buộc, quyền lợi, nghĩa vụ nhất định liên
quan đến quá trình tổ chức sự kiện.
Do tính đa dạng về loại hình dịch
vụ có trong sự kiện, nên nhà tổ chức sự kiện khó có thể đảm đương tự
cung ứng tất cả các dịch vụ cho khách hàng trong sự kiện. Vì vậy
họ cần đến các nhà cung ứng dịch vụ cho sự kiện. Chúng tôi gọi
chung nhóm này là: nhà cung ứng dịch vụ bổ trợ cho sự kiện/ các
nhà cung ứng trung gian.
Thành phần này có thể được xem là
nhà cung ứng dịch vụ tổ chức sự kiện, tuy nhiên để tránh nhầm lẫn với
nhà tổ chức sự kiện (cũng là nhà cung cấp dịch vụ tổ chức sự kiện)
mặt khác để làm nổi bật vai trò trung gian của nhà tổ chức sự kiện
trong quá trình cung ứng các hàng hóa, dịch vụ cho khách, trong tài
liệu này chúng tôi thống nhất gọi thành phần này là: các nhà cung
ứng dịch vụ bổ trợ tổ chức sự kiện.
Một nhóm đối tượng thuộc sự chỉ
đạo của nhà tổ chức sự kiện thường gặp ở các sự kiện lớn đặc biệt
là các sự kiện mang tính xã hội cao đó là: Tình nguyện viên tham gia sự
kiện.
Tình
nguyện viên tham gia sự kiện là những người tình nguyện tham gia vào quá trình tổ chức và
diễn ra sự kiện, thường với tư cách hỗ trợ cho quá trình tổ chức
sự kiện, họ chịu sự chỉ đạo giám sát của ban tổ chức sự kiện/ nhà
tổ chức sự kiện.
Khách mời tham gia sự kiện (về sau gọi tắt là: khách mời) là những tổ chức, doanh nghiệp
hoặc cá nhân được chủ đầu tư sự kiện chủ động mời tham dự vào các diễn biến,
hoạt động của sự kiện, họ là đối tượng chính mà mục tiêu sự kiện muốn
tác động đến. Vì vậy, khách mời tham gia sự kiện là
một trong các yếu tố cần tính tới khi lập chương trình, kế hoạch và nội dung
tổ chức sự kiện.
Khách mời tham gia sự kiện thường là
miễn phí, nhưng cũng có trường hợp phải trả những khoản phí nhất định để đổi
lại họ sẽ nhận được những giá trị nhất định về tinh thần hoặc vật chất.
Khách mời tham gia sự kiện có thể
là khán giả, trong trường hợp sự kiện có bán vé; Tuy nhiên có những đối tượng cũng là
khán giả của các sự kiện nhưng không phải là khách mời, nếu họ
không phải là đối tượng mà nhà tổ chức sự kiện muốn thu hút, họ chỉ
tình cờ tham gia sự kiện với hình thức vô tình, vãng lai.
Khách vãng lai tham gia sự
kiện (về sau gọi tắt là: khách vãng lai) là những
tổ chức doanh nghiệp hoặc cá nhân do một lý do nào đó tham gia vào sự kiện
nhưng không thuộc các nhóm nói trên.
Khách vãng lai thường vẫn được tính đến trong chương trình, kế hoạch tổ chức sự kiện. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của nhóm này đến sự kiện không đáng kể. Trong một số trường hợp, khách vãng lai tham gia sự kiện có thể trở thành khách mời trong quá trình tiến hành sự kiện.
Chính quyền và cư dân nơi diễn ra sự kiện: là chính quyền và cư dân giới hạn trong một phạm vi địa lý nào đó chịu ảnh hưởng trong thời gian tiến hành sự kiện.
Phạm vi giới hạn là lớn hay nhỏ, tùy
theo mức độ ảnh hưởng cũng như quy mô của sự kiện. Phạm vi này có thể là: xóm
thôn, phường xã, một cơ quan, trường học và rộng hơn có thể là một thành phố,
điểm du lịch, vùng lãnh thổ, quốc gia…
Trên đây là các thuật ngữ cơ bản, các
thuật ngữ này cùng với các thuật ngữ chuyên môn khác có liên quan sẽ được mô tả
chi tiết hơn ở những nội dung tiếp theo.
Đặc điểm về sản phẩm của dịch vụ tổ chức sự kiện
Có thể khẳng định rằng, đặc điểm cơ bản nhất
về sản phẩm của dịch vụ tổ chức sự kiện là: Sản phẩm của tổ chức sự kiện mang tính tổng hợp cao, nó là sự kết
hợp giữa hàng hoá và dịch vụ trong đó
dịch vụ chiếm tỷ trọng đa số.
Tính tổng hợp thể hiện ở chỗ: tổ chức sự kiện cần đến dịch vụ của
rất nhiều ngành nghề khác nhau như: vận chuyển, lưu trú, ăn uống,
giải trí, biểu diễn, in ấn, an ninh, xây dựng, thiết kế… Vì tổ chức sự kiện liên quan đến việc nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng; lập chương
trình, kế hoạch; chuẩn bị các yếu tố cần thiết; và tổ chức tiến hành diễn biến
của sự kiện nên nó mang tính dịch vụ rõ rệt. Cần lưu ý trong sản
phẩm của tổ chức sự kiện cũng có những yếu tố hàng hóa (hữu hình)
nhất định, như các sản phẩm vật chất; thức ăn, đồ uống… vì vậy nếu
chỉ nói sản phẩm của tổ chức sự kiện là dịch vụ sẽ không hoàn toàn
chính xác mà phải nói dịch vụ chiếm tỷ trọng đa số
Từ đặc điểm cơ bản nói trên, mà sản
phẩm của các tổ chức sự kiện thường có các đặc điểm phổ biến của dịch vụ
như:
- Sản phẩm của sự kiện không lưu kho
- Cất trữ, không vận
- Thời gian sản xuất và thời gian tiêu dùng thường trùng nhau. Đánh giá chất lượng sự kiện chỉ có thể thực hiện một cách chính xác sau khi sự kiện đã được tiến hành.
- Khách
thường mua sản phẩm của nhà tổ chức sự kiện trước khi nhìn thấy (hoặc tiêu
dùng) nó.
- Sản
phẩm không bao giờ lặp đi, lặp lại; mỗi một sản phẩm (sự kiện) gắn liền với
một không gian và thời gian; gắn liền với nhà tổ chức sự kiện nhà đầu tư sự kiện trong việc phối hợp tạo ra nó.
Đặc điểm về vị trí và cơ sở vật chất kỹ thuật trong tổ
chức sự kiện
Vị trí và cơ sở vật chất kỹ
thuật trong tổ chức sự kiện rất đa dạng phong phú, chúng có những
yêu cầu đặc thù cho từng loại hình và quy mô của các sự kiện cụ
thể.
Đặc điểm về hoạt động
Tính tổ chức, khả năng phối hợp công
việc của các bộ phận trong tổ chức sự kiện đòi hỏi phải đồng bộ, nhịp nhàng
với mục tiêu phục vụ khách với chất lượng cao nhất nhằm đáp ứng những yêu cầu,
đòi hỏi của khách.
1.1.2. Sơ lược về thị trường tổ
chức sự kiện ở Việt Nam
Như trên đã đề cập, sự kiện đó là các hoạt động xã hội trong lĩnh vực thương mại, giải trí,
thể thao, hội thảo, hội nghị, giao tiếp xã hội, các trò chơi cộng đồng, và
các hoạt động xã hội khác liên quan đến lễ hội, văn hóa, phong tục- tập
quán… Từ trước đến nay các hoạt động này đã thường xuyên diễn ra tuy nhiên, chủ yếu do chính nhà đầu
tư sự kiện trực tiếp đứng ra tổ chức. Một số sự kiện lớn có tầm
quan trọng người ta thường lập ban tổ chức, tuy nhiên trong quá trình
tổ chức do hạn chế về nhiều mặt nên hiệu quả còn những hạn chế
nhất định.
Với các sự kiện mang tính chất văn
hóa, phong tục tập quán… hoặc các sự kiện đơn giản như đám cưới,
hội họp, gặp mặt… việc tổ chức không quá phức tạp, người chủ trì
chỉ cần có một số kinh nghiệm nhất định cũng có thể thực hiện được.
Tuy nhiên, khi điều kiện kinh tế xã
hội phát triển, cùng với sự hội nhập vào kinh tế và văn hóa của
nhân loại, sự tác động của các phương tiện thông tin đại chúng (đặc
biệt là Internet) nhu cầu, mục tiêu của chủ đầu tư sự kiện thường cao
hơn rất nhiều. Ngay cả những sự kiện mang tính phổ biến và đơn giản
nói trên việc tổ chức theo kinh nghiệm sẽ không đáp ứng được các yêu
cầu của chủ đầu tư sự kiện, điều này đòi hỏi cần có những nhà tổ
chức sự kiện chuyên nghiệp.
Đặc biệt, đối với các sự kiện
liên quan đến kinh doanh, thương mại như: các buổi lễ khai trương, giới
thiệu sản phẩm, quảng cáo, quan hệ công chúng, triển lãm, hội chợ,
gặp mặt khách hàng… do tầm quan trọng, mức độ ảnh hưởng trực tiếp
đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nên nếu chủ đầu tư là các
doanh nghiệp tất yếu cần đến các nhà tổ chức sự kiện chuyên nghiệp
để đạt được các mục tiêu của mình.
Ngoài ra, do tính chất rất phức
tạp của các sự kiện, cũng như để đạt được ý tưởng, mục tiêu khi tổ
chức sự kiện cần phải có các nhà tổ chức sự kiện chuyên nghiệp để
tận dụng kinh nghiệm và khả năng tổ chức của đội ngũ này.
Một lý do khác, khi diễn ra một sự
kiện đặc biệt là các sự kiện tương đối lớn các dịch vụ cần có cho
sự kiện rất đa dạng (như các dịch vụ về trang trí, sân
khấu, dẫn chương trình, tiếp đón, lưu trú, ăn uống…)
một doanh nghiệp, một tổ chức vừa đóng vai trò là chủ đầu tư sự
kiện kiêm nhà tổ chức sự kiện sẽ không đủ thông tin, kinh nghiệm để
đảm đương hết tất cả các dịch vụ này.
Điểm cuối cùng Việt Nam với gần 90
triệu dân, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế- xã hội đây
chắc chắn sẽ là một thị trường có quy mô về cầu rất khả quan cho
các nhà tổ chức sự kiện chuyên nghiệp.
2. CÁC
LOẠI HÌNH SỰ KIỆN
Với cách tiếp cận, sự kiện đó là các
hoạt động xã hội trong lĩnh vực thương mại, giải trí, thể thao, hội thảo,
hội nghị, giao tiếp xã hội, các trò chơi cộng đồng, và các hoạt động xã hội
khác liên quan đến lễ hội, văn hóa, phong tục- tập quán… có thể thấy sự kiện rất đa dạng phong phú về hình thức cũng
như nội dung của nó.
Trong quá trình nghiên cứu, học tập cũng
như trong thực tế hoạt động kinh doanh dịch vụ tổ chức sự kiện đòi hỏi phải
phân loại sự kiện thành những nhóm khác nhau, với mỗi nhóm sự kiện được
phân loại theo những tiêu chí nhất định được gọi là một loại hình
sự kiện. Các tiêu chí được sử dụng phổ biến trong phân loại sự kiện bao gồm:
- Quy mô, lãnh thổ
- Thời gian
-
Hình thức và mục đích sự kiện
2.1 Theo quy mô, lãnh thổ
Quy mô của sự kiện là một tiêu chí định
lượng, tuy nhiên không chỉ dựa vào số lượng người tham gia, hay quy mô của
không gian tổ chức sự kiện để phân loại mà còn phải dựa vào mức độ ảnh hưởng
của sự kiện để xác định quy mô (vì có những sự kiện ở một xã có rất nhiều người
tham gia, được tổ chức ở sân vận động xã nhưng cũng không thể gọi là sự kiện
lớn được)
-
Sự kiện lớn: Là những sự kiện có
mức độ ảnh hưởng lớn ở phạm vi quốc gia, quốc tế, thường có sự tham gia
của nhiều người, thời gian tổ chức sự kiện khá dài, nội dung hoạt động đa dạng,
phong phú. Ví dụ: Lễ hội chùa Hương, SEAGAMES23, hội nghị thượng đỉnh các nước
nói tiếng Pháp…
-
Sự kiện nhỏ: Là những sự kiện có
mức độ ảnh hưởng hẹp (thường giới hạn trong phạm vi một tổ chức doanh nghiệp
hoặc gia đình), thường có sự tham gia của ít người, thời gian tổ chức sự kiện
khá ngắn, nội dung hoạt động ít… Ví dụ: hội nghị tổng kết của công ty A, đám
cưới của anh Nguyễn Văn B, một cuộc họp lớp cuối năm…
Do thời gian hạn chế, chúng tôi chỉ đưa
ra những gợi ý mang tính chất tương đối như trên. Với cách tiếp cận này còn có
thể đưa ra một mức độ trung gian giữa sự kiện lớn và sự kiện nhỏ đó là những sự
kiện vừa (trung bình).
Theo lãnh thổ có thể chia thành: sự kiện
địa phương (lễ kỷ niệm 10 năm ngày tái thành lập lập huyện A), sự kiện của
một vùng (lễ hội cồng chiêng ở Tây Nguyên), sự kiện quốc gia (Hội khỏe Phù đổng
toàn quốc lần thứ…), sự kiện quốc tế (Lễ hội Olimpic…)
2.2 Theo thời gian
Tiêu chí thời gian có thể căn cứ theo độ dài thời gian hoặc
tính thời vụ.
- Theo
độ dài thời gian, căn cứ vào thời gian diễn ra sự kiện có thể chia thành:
Sự kiện dài ngày, sự kiện ngắn ngày.
- Theo
tính mùa vụ có thể chia thành: Sự kiện thường niên- diễn ra vào các năm thường
vào những thời điểm nhất định như (Hội nghị tổng kết, lễ báo công, hội nghị
khách hàng thường niên, họp đồng hương đầu năm/ cuối năm, các lễ hội thường
niên…); Sự kiện không thường niên: không mang tính quy luật, không có hiện
tượng lặp lại ở các năm (ví dụ: lễ khai trương cửa hàng, hội thảo du học Lào,
triển lãm hàng nông nghiệp tỉnh A…)
2.3 Theo hình thức và mục đích
Đây là cách phân loại phổ biến có ý
nghĩa trong nghiệp vụ tổ chức sự kiện. Vì hình thức tổ chức sự kiện thường phụ
thuộc vào mục đích sự kiện nên nó thường đi liền với nhau. Trong tài liệu này
chúng tôi tạm chia thành các nhóm sau:
- Sự kiện kinh doanh: là
những sự kiện có liên quan đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
+
Sự kiện kinh doanh (Bussiness event)
+ Các ngày lễ của doanh nghiệp
(Corporate events): Như kỷ niệm ngày sinh nhật, ngày truyền thống của công ty…
+
Sự kiện gây quỹ (Fundraising events)
+ Triển lãm (Exhibitions)
+ Hội chợ thương mại (Trade fairs)
+ Sự kiện liên quan đến bán hàng (Workshops)
+ Sự kiện liên quan tới marketing (Marketing events)
+ Sự kiện kết hợp
khuyến mãi, xúc tiến thương mại (Promotional events)
+ Sự kiện tung
thương hiệu, sản phẩm (Brand and product launches)
+ Hội nghị khách hàng, giao lưu, gặp gỡ
(Customers Meetings; Customers Conferences, Conventions)
+ Các loại hội nghị
thường niên: tổng kết các kỳ, đại hội cổ đông…
+ Lễ khai trương,
khánh thành, động thổ…
+ Các sự kiện khác liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Sự kiện giáo dục, khoa học: Đó
là những sự kiện liên quan đến giáo dục, khoa học như.
+ Hội thảo, hội nghị (Education/
Training Meetings; Seminars, Conferences, Conventions) về văn hóa giáo dục:
diễn thuyết, chuyên đề, hội thảo du học…
+ Liên hoan, hội giảng, các cuộc thi:
Hội giảng giáo viên dạy giỏi, thi học sinh giỏi, Gặp mặt sinh viên xuất sắc.
+
Các trò chơi (game show) mang tính giáo dục
- Sự kiện văn hóa truyền thống: Liên
quan đến văn hóa, truyền thống, tôn giáo- tín ngưỡng và phong tục tập quán, bao gồm:
+
Lễ hội truyền thống (Traditional festival events)
+ Cưới hỏi
+ Ma chay
+ Mừng thọ
+ Sinh nhật
+
Social and cultural events: Event văn hoá xã hội
+ Giao lưu văn
hóa
+
Các lễ kỷ niệm truyền thống khác: như họp đồng hương, kỷ niệm ngày thành lập…
- Sự kiện âm nhạc, nghệ thuật, giải trí:
+ Entertainment
events: Event giải trí
+ Hội thi nghệ thuật (ví dụ: liên hoan tiếng hát học sinh-
sinh viên, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp…)
+ Concerts/live
performances: Hoà nhạc, diễn sống, liveshow
+ Festive events: Event lễ hội
+ Triển lãm nghệ thuật
+ Biểu diễn nghệ
thuật
+ Khai trương:
giới thiệu Anbum mới, ban nhạc.
+ Biểu diễn từ
thiện, biểu diễn đánh bóng tên tuổi, tạp kỹ…
- Sự kiện thể thao:
+ Thi đấu
+ Hội thi, hội khỏe…
+ Đón tiếp, chào
mừng, báo công, tiễn đoàn…
+ Giao lưu thể thao
- Sự kiện chính thống/ Sự
kiện của nhà nước (Government events): Loại sự kiện thường có những chuẩn mực
và quy tắc riêng, chủ đầu tư sự kiện chính là các cơ quan nhà nước.
+
Tổng kết; Khen thưởng, tuyên dương
+ Phát động phong trào
+ Hội thảo, hội nghị…
+ Họp báo; Hội nghị hiệp thương
+
Đón tiễn…
- Sự kiện truyền thông: là các sự kiện có tính truyền thông cao, thường do một hay nhiều cơ
quan truyền thông báo chí là chủ đầu tư sự kiện, hoặc có sự tham gia của các cơ
quan truyền thông trong quá trình tiến hành sự
kiện.
+
Lễ ghi nhận thương hiệu
+ Thu hút nhà tài trợ
+
Kỷ niệm
+ Gây quỹ
+ Phát động phong trào…
+ Họp báo, thông cáo báo chí…
Cần lưu ý rằng sự những phân loại nói
trên chỉ mang tính chất tương đối, trong thực tế một hình thức sự kiện có thể
thuộc nhiều loại sự kiện khác nhau. Ví dụ: hội thảo, hội nghị… Mặt khác với
từng sự kiện cụ thể có thể cùng thuộc hai hay nhiều loại nói trên.
3. NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI TỔ
CHỨC SỰ KIỆN
Tổ chức sự kiện là một hoạt động
dịch vụ, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lĩnh vực này. Tiếp
cận theo quan điểm marketing có thể chia các yếu tố ảnh hưởng đến sự
kiện thành hai nhóm chính đó là: các yếu tố vĩ mô và các yếu tố
vi mô.
1.3. Các yếu tố vĩ mô
Bao gồm các yếu tố, các lực lượng mang
tính chất xã hội rộng lớn, chúng có tác động ảnh hưởng tới hoạt động tổ
chức sự kiện.
Môi trường nhân khẩu học:
Bao gồm các vấn đề về dân số và con người
như quy mô, mật độ, phân bố dân cư, tỷ lệ sinh, tỷ lệ chết, tuổi tác, giới
tính, sắc tộc, nghề nghiệp...tạo ra các loại thị trường cho doanh nghiệp tổ
chức sự kiện, vì vậy môi trường nhân khẩu học là mối quan tâm lớn của các nhà
hoạt động thị trường.
Những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ
Tổ chức sự kiện thường quan tâm tới môi trường nhân khẩu học trước hết là ở
qui mô và tốc độ tăng dân số. Bởi vì, hai chỉ tiêu đó phản ánh trực tiếp qui mô
nhu cầu tổng quát trong hiện tại và tương lai, và do đó nó cũng phản ánh sự
phát triển hay suy thoái của thị trường.
Sự thay đổi về cơ cấu tuổi tác, cơ cấu,
qui mô hộ gia đình trong dân cư cũng làm thay đổi cơ cấu khách hàng tiềm năng,
nó tác động quan trọng tới cơ cấu tiêu dùng và nhu cầu về các loại hàng hoá. Vì
vậy làm cho các hoạt động Tổ chức sự kiện thay đổi thường xuyên, liên tục.
Một vấn đề khác liên quan đến sự biến
đổi thị trường và do đó liên quan đến hoạt động Tổ chức sự kiện là quá
trình đô thị hoá và phân bố lại dân cư. Các vùng đô thị tập trung luôn luôn là
thị trường chính của dịch vụ tổ chức sự kiện. Bên cạnh đó, việc phân bố lại
lực lượng sản xuất, phân vùng lãnh thổ, đặc khu kinh tế cũng tạo ra các cơ hội
thị trường mới đầy hấp dẫn.
Môi trường kinh tế:
Thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế,
cơ cấu vùng từ đó tạo ra tính hấp dẫn về thị trường và sức mua, cơ cấu chi tiêu
khác nhau đối với các thị trường hàng hoá khác nhau.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia
tổ chức sự kiện, thì các sự kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh,
thương mại của các doanh nghiệp chiếm hơn 60% về số lượng, và 75% về
ngân sách tổ chức sự kiện. Mà nhu cầu của các
doanh nghiệp này lại chịu ảnh hưởng trực tiếp từ
môi trường kinh tế do đó môi trường kinh tế sẽ có những ảnh hưởng
rất lớn đến dịch vụ tổ chức sự kiện.
Ngoài ra cùng với sự phát triển
của đời sống xã hội, mà yếu tố chi phối lớn nhất là thu nhập của
người dân sẽ tác động đến tổ chức sự kiện. Ví dụ, khi thu nhập của người dân nâng cao các sự kiện
mang tính chất truyền thống (như cưới hỏi, sinh nhật, giao tiếp xã
hội…) sẽ ngày càng nhiều, đòi hỏi tính chuyên nghiệp ngày càng cao,
đây là một mảng sự kiện mà các nhà kinh doanh cần phải quan tâm,
chuẩn bị các điều kiện để cạnh tranh trong tương lai.
Môi trường tự nhiên:
Bao gồm hệ thống các yếu tố tự nhiên ảnh
hưởng đến đầu vào cần thiết cho các nhà sản xuất kinh doanh và gây ảnh hưởng
cho các hoạt động tổ chức sự kiện.
Các
yếu tố ảnh hưởng rõ rệt nhất từ môi trường tự nhiên có thể chỉ ra
là:
- Thời
tiết, khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức sự kiện, đặc biệt
là các sự kiện dự định tổ chức ở không gian ngoài trời.
- Các
vấn đề về ô nhiễm và bảo vệ môi trường: Cộng đồng dân cư và chính
quyền nơi diễn ra sự kiện, thường có những nhận thức nhất định về
vấn đề ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Điều này tác động đến việc
lựa chọn các chủ đề cũng như hoạt động trong sự kiện, nếu không đáp
ứng được các yêu cầu tối thiểu
về môi trường, xử lý rác thải… nhà tổ chức sự kiện có thể sẽ không
được cấp phép cho việc tổ chức sự kiện.
Môi trường công nghệ kỹ thuật:
Bao gồm các nhân tố gây tác động ảnh
hưởng đến công nghệ mới, sáng tạo sản phẩm và cơ hội thị trường mới, ảnh hưởng
đến việc thực thi các giải pháp cụ thể của tổ chức sự kiện.
Tiến bộ kỹ
thuật hỗ trợ cho tổ chức sự kiện ở nhiều lĩnh vực như:
- Trong
việc
quản lý, lập kế hoạch tổ chức sự kiện
- Trong
quá
trình chuẩn bị sự kiện (như chuẩn bị địa điểm, trang trí)
- Trong
hoạt
động thông tin liên lạc hỗ trợ cho tổ chức sự kiện.
- Trong
quá
trình đưa đón, vận chuyển khách đến với sự kiện
- Trong việc trình diễn (kỹ thuật âm
thanh, ánh sáng, các hiệu ứng đặc biệt)…
Môi trường chính
trị:
Là một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến các quyết
định tổ chức sự kiện của cả nhà đầu tư và tổ chức sự kiện. Nó bao gồm
hệ thống luật và
các văn bản dưới luật, các công cụ, chính sách của nhà
nước, tổ chức bộ máy, cơ chế điều hành của chính phủ và các tổ chức chính trị,
xã hội. Sự tác động của môi trường chính trị tới các quyết định Tổ chức sự
kiện phản ánh sự tác động can thiệp của các chủ thể quản lý vĩ mô tới kinh
doanh của doanh nghiệp. Ví dụ,
các quy định của nhà nước về thủ tục hành chính sẽ tác động không
nhỏ đến hoạt động tổ chức sự kiện nếu không nắm vững điều này sẽ gặp
khó khăn rất lớn trong hoạt động tổ chức sự kiện.
Môi trường văn hoá:
Văn hoá được coi là một hệ thống giá
trị, quan niệm, niềm tin, truyền thống và các chuẩn mực hành vi đơn nhất với
một nhóm người cụ thể nào đó được chia sẻ một cách tập thể, bao gồm: những giá
trị văn hoá truyền thống căn bản, những giá trị văn hoá thứ phát, các nhánh văn
hoá của một nền văn hoá.
+
Những giá trị văn hoá truyền thống căn bản: Đó là các
giá trị chuẩn mực và niềm tin trong xã hội có mức độ bền vững, khó thay đổi,
tính kiên định rất cao, được truyền từ đời này qua đời khác và được duy trì qua
môi trường gia đình, trường học, tôn giáo, luật pháp nơi công sở... và chúng
tác động mạnh mẽ, cụ thể vào những thái độ, hành vi ứng xử hàng ngày, hành vi
mua và tiêu dùng hàng hoá của từng cá nhân, từng nhóm người.
+
Những giá trị văn hoá thứ phát: Nhóm giá trị chuẩn mực
và niềm tin mang tính “thứ phát” thì linh động hơn, có khả năng thay đổi dễ hơn
so với nhóm căn bản các giá trị chuẩn mực về đạo đức, văn hoá thứ phát khi thay
đổi hay dịch chuyển sẽ tạo ra các cơ hội thị trường hay các khuynh hướng tiêu
dùng mới, đòi hỏi các hoạt động Tổ chức sự kiện phải bắt kịp và khai thác
tối đa.
+
Các nhánh văn hoá của một nền văn hoá: Có những “tiểu
nhóm” văn hoá luôn luôn tồn tại trong xã hội và họ chính là những cơ sở quan
trọng để hình thành và nhân rộng một đoạn thị trường nào đó. Những nhóm này
cùng chia sẻ các hệ thống giá trị văn hoá - đạo đức - tôn giáo... nào đó, dựa
trên cơ sở của những kinh nghiệm sống hay những hoàn cảnh chung, phổ biến. Đó là
những nhóm tín đồ của một tôn giáo hay giáo phái nào đó, nhóm thanh thiếu niên,
nhóm phụ nữ đi làm...
Nói chung, các giá trị văn hoá chủ yếu
trong xã hội được thể hiện ở quan niệm hay cách nhìn nhận, đánh giá con người
về bản thân mình, về mối quan hệ giữa con người với nhau, về thể chế xã hội nói
chung, về thiên nhiên và về thế giới. Ngày nay con người đang có xu thế trở về
với cộng đồng, hoà nhập chung sống hoà bình, bảo về và duy trì, phát triển
thiên nhiên, môi trường sinh thái. Sự
đa dạng hoá, giao thoa của các nền văn hoá, sắc tộc và tôn
giáo khiến các hoạt động Tổ chức sự kiện cần phải thích ứng để phù hợp với
các diễn biến đó.
Tóm lại, môi trường tổ chức sự kiện
vĩ mô cũng hết sức rộng lớn và ảnh hưởng nhiều mặt tới hoạt động Tổ chức sự
kiện của doanh nghiệp.
3.2. Các yếu tố vi mô
Để tổ chức thành công một sự kiện,
các nhà tổ chức sự kiện phải sử dụng một cách tối ưu các nguồn lực
của mình, ngoài ra cần phải cân nhắc ảnh hưởng của những người cung ứng
dịch vụ trung gian, đối thủ cạnh tranh, khách hàng (nhà đầu tư/ tài trợ
sự kiện).
Nhóm các yếu tố vi mô bao gồm các
yếu tố liên quan chặt chẽ đến nhà tổ chức sự kiện và sự kiện cụ thể, nó
có ảnh hưởng trực tiếp đến quy trình tổ chức sự kiện. Các yếu tố vi
mô bao gồm:
Các yếu tố bên trong doanh nghiệp tổ chức sự kiện
Nguồn lực của nhà tổ chức sự kiện
(resource): nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, kinh nghiệm tổ chức sự
kiện, các mối quan hệ với nhà cung ứng dịch vụ, với chính quyền…
Các nhà cung ứng dịch vụ bổ trợ tổ chức sự
kiện
Những người cung ứng dịch vụ bổ trợ
tổ chức sự kiện là các doanh nghiệp và các cá nhân đảm bảo cung ứng các yếu tố
cần thiết cho nhà tổ chức sự kiện và các đối thủ cạnh tranh để có thể thực
hiện triển khai được các sự kiện.
Các nhà cung ứng dịch vụ bổ trợ sự kiện sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố như:
+ Địa điểm tổ chức
sự kiện (venue)
+ Cách thức phục
vụ (catering)
+ Hình thức giải
trí (entertainment, artist, speaker)
+ Cách trang trí
(decoration), âm thanh ánh sáng (sound and light)
+ Các kỹ xảo hiệu
ứng đặc biệt (audiovisual, special effects)…
Bất kỳ có sự thay
đổi nào từ phía người cung ứng cũng sẽ gây ra ảnh
hưởng tới hoạt động tổ chức sự kiện. Để đảm bảo ổn định
và có sự lựa chọn, cạnh tranh…cho việc cung cấp các dịch vụ đúng chất
lượng, số lượng và thời gian, phần lớn các doanh nghiệp tổ chức sự kiện đều
thiết lập mối quan hệ đối tác với nhiều nhà cung cấp cho mình.
Khách hàng:
Khách hàng là đối tượng mà doanh nghiệp tổ chức sự kiện phục vụ và mang lại nguồn thu cho nhà tổ chức sự kiện, tùy theo hình thức tổ chức sự kiện mà khách hàng của sự kiện có thể khác nhau. Ví dụ: một công ty bỏ tiền thuê một cuộc triển lãm hàng hóa thì khách hàng là nhà đầu tư sự kiện. Trong trường hợp nhà tổ chức sự kiện tự đứng ra tổ chức một sự kiện nào đó (ví dụ một cuộc biểu diễn nghệ thuật), khách hàng chính là các nhà tài trợ cho sự kiện và khán giả sự kiện.
Các đòi hỏi của khách hàng sẽ
ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tổ chức sự kiện, vì nhà tổ chức sự
kiện phải tạo ra các sự kiện đáp ứng nhu cầu hay nói cách khác đạt
được mục tiêu của khách hàng. Ví dụ mục tiêu và các yêu cầu cụ thể
trong sự kiện của nhà đầu tư sự kiện. Đây là yếu tố quyết định đến chủ đề cũng
như nội dung của sự kiện. Tuy nhiên với kinh nghiệm cũng như trách nhiệm của
nhà tổ chức sự kiện chuyên nghiệp cần có những sự tư vấn nhất định để hạn chế
những đòi hỏi bất khả thi, những yêu cầu không hiệu quả và thực sự mang lại lợi
ích thiết thực cho nhà đầu tư sự kiện.
Đối thủ cạnh tranh:
Mọi doanh nghiệp nói chung và các
doanh nghiệp tổ chức sự kiện nói riêng đều phải đối đầu với các đối thủ
cạnh tranh với nhiều mức độ khác nhau. Trong
quá trình tiến hành tìm kiếm các nhà đầu tư sự kiện, cần
phải hết sức quan tâm đến đối thủ cạnh tranh để đưa ra các chính
sách, chiến lược cạnh tranh hợp lý. Đặc biệt nếu đối thủ cạnh tranh
cùng tham gia đấu thầu trong việc tổ chức một sự kiện nào đó, mức
độ cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt hơn. Quá trình cạnh tranh này sẽ
ảnh hưởng đến sự kiện (ảnh hưởng đến ngân sách, chương trình, ý
tưởng... do tác động từ đối thủ cạnh tranh).
Chính quyền và cư dân nơi diễn ra sự kiện:
Là chính quyền và cư dân giới hạn trong
một phạm vi địa lý nào đó chịu ảnh hưởng trong thời gian tiến hành sự kiện.
Phạm vi giới hạn là lớn hay nhỏ, tùy theo mức độ ảnh hưởng cũng như quy mô của
sự kiện. Phạm vi này có thể là: xóm thôn, phường xã, một cơ quan, trường học và
rộng hơn có thể là một thành phố, điểm du lịch, vùng lãnh thổ, quốc gia…
Chính quyền và cư dân nơi diễn ra
sự kiện sẽ ủng hộ hoặc chống lại các hoạt động tổ chức sự kiện, do đó có
thể tạo thuận lợi hay gây khó khăn cho doanh nghiệp. Để thành công, doanh
nghiệp phải tạo lập, duy trì và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với
nhóm này, đặc biệt là chính quyền nơi diễn ra sự kiện. Quan hệ tốt
với chính quyền nơi diễn ra sự kiện không chỉ thuận lợi trong việc
giải quyết các thủ tục hành chính mà còn có thể được sự trợ giúp
của chính
quyền về các vấn đề an ninh, vệ sinh, giao thông…
thậm chí với các sự kiện mang tính phi lợi nhuận và có tính xã
hội cao (ví dụ tuần lễ vệ sinh môi trường ở khu du lịch Thiên Cầm)
còn có thể được sự tài trợ về kinh phí từ chính quyền nơi diễn ra
sự kiện (trong trường hợp này chính quyền còn có thêm vai trò là
nhà tài trợ trong sự kiện).
4.
Ý
nghĩa của hoạt động tổ chức sự kiện với các thành phần tham gia sự kiện
Hoạt động tổ chức sự kiện chuyên
nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia vào sự kiện, đối
với mỗi bên tham gia sự kiện có thể xem xét lợi ích theo những khía
cạnh khác nhau. Đây chính là các vai trò cơ bản của tổ chức sự
kiện. Ngoài ra, việc tìm hiểu vai trò của hoạt động tổ chức sự kiện
với các thành phần tham gia sự kiện cũng chính là nghiên cứu những
tác động của sự kiện đến các đối tượng này.
4.1. Đối với nhà đầu tư sự kiện
Đối với bản thân các sự kiện, khi
tiến hành đầu tư các sự kiện các chủ đầu tư sẽ đạt được các mục
đích khác nhau của mình. Ví dụ: với doanh nghiệp khi tiến hành tổ
chức sự kiện là công việc góp phần “đánh bóng” cho thương hiệu và sản phẩm của
một công ty thông qua những sự kiện.
Tuy nhiên điều cần quan tâm hơn là
những lợi ích mà nhà đầu tư sự kiện thu được khi tiến hành sự kiện
thông qua các nhà tổ chức chuyên nghiệp:
- Thứ
nhất, nhà đầu tư sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức cho việc tổ
chức sự kiện, họ chỉ phải tập trung cho việc thực hiện vai trò của
mình (nếu có, chẳng hạn như chủ tịch đoàn, hay lên tặng quà… trong
sự kiện).
- Thứ
hai, nhà đầu tư dễ dàng đạt được mục tiêu khi tổ chức sự kiện hơn so
với nếu mình tự đứng ra tổ chức vì họ sẽ tận dụng được kinh
nghiệm, các mối quan hệ, sự sáng tạo, các ý tưởng cũng như tính
chuyên nghiệp của các nhà tổ chức sự
kiện.
- Thứ
ba, cùng với các dịch vụ có trong một sự kiện nếu nhà đầu tư sự
kiện trực tiếp tiến hành họ sẽ thiếu thông tin về các nhà cung cấp
dịch vụ, hoặc không lựa chọn được các dịch vụ vừa ý. Ngay cả vấn
đề giá cả, đối với các nhà tổ chức sự kiện chuyên nghiệp do mối quan hệ thường xuyên với các nhà cung
ứng dịch vụ tổ chức sự kiện bổ trợ (như trang
trí, lưu trú, ăn uống…) sẽ đàm phán được mức giá thấp hơn.
- Thứ
tư, việc thuê các nhà tổ chức sự kiện chuyên nghiệp sẽ giảm thiểu
được rủi ro trong quá trình tổ chức (vì thông thường nhà tổ chức sự
kiện phải chia sẽ rủi ro) mặt khác, nhà tổ chức sự kiện chuyên
nghiệp sẽ phải tính toán đề phòng các sự cố có thể xảy ra trong
sự kiện (nếu không có kinh nghiệm rất khó thực hiện)
4.2. Đối với nhà tổ chức sự kiện
Nhà tổ chức sự kiện khi thực hiện thành công một
sự kiện nào đó họ sẽ thu được những lợi ích nhất định.
- Thứ
nhất, khẳng định được giá trị của mình trên thị trường dịch vụ tổ
chức sự kiện.
- Thứ
hai, họ sẽ thu được lợi nhuận từ thành quả của mình. Trong một số trường hợp (đặc biệt
đối với các sự kiện thương mại), các nhà tổ chức sự kiện không chỉ
thu được lợi nhuận như trong hợp đồng mà họ còn nhận được thêm những
phần thưởng từ nhà đầu tư sự kiện nếu sự kiện thành công và mang
đạt được những mục tiêu như mong đợi của nhà đầu tư sự kiện.
- Thứ
ba, nhà tổ chức sự kiện thu được kinh nghiệm về nghề nghiệp, phát
triển các mối quan hệ không chỉ với khách hàng (nhà đầu tư sự kiện)
mà còn phát triển được mối quan hệ làm việc với các nhà cung ứng
dịch vụ bổ trợ khác (như trang trí, in ấn, ca nhạc…)
4.3. Đối với các nhà cung ứng dịch vụ trung gian
Sự kiện là cơ hội cho các nhà cung
ứng dịch vụ trung gian bán được các sản phẩm của mình, như vậy lợi
ích dễ nhận thấy nhất đó chính là lợi nhuận, công việc mà họ thu
được từ quá trình tham gia tổ chức sự kiện.
Bên cạnh đó, qua quá trình tham gia
tổ chức sự kiện các nhà cung ứng dịch vụ trung gian còn có cơ hội
quảng bá hình ảnh, sản phẩm của mình, tạo lập được các cơ hội kinh
doanh. Ví dụ một MC (người dẫn chương trình) nghiệp dư, có thể qua một
sự kiện thành công được quảng bá trên truyền hình để trở thành một
ngôi sao trong làng dẫn chương trình chuyên nghiệp chẳng hạn...
4.4. Đối với khách mời tham gia sự kiện
Khách mời tham gia sự kiện cũng thu được lợi ích nhất định
từ sự kiện.
- Qua
việc tham gia sự kiện được cơ hội giao lưu, học hỏi, mở rộng quan hệ
trong công việc và cuộc sống.
- Qua
việc tham gia sự kiện khách mời có thể thu được những lợi ích nhất
định về vật chất hoặc tinh thần (ví dụ được xem các buổi trình
diễn nghệ thuật, được tham gia sự kiện kết hợp với một chuyến du
lịch, được giao lưu, tiếp xúc với các nhân vật nổi tiếng; được hưởng
các sản phẩm, dịch vụ mà nhà tổ chức sự kiện cung ứng cho họ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét